Để nữ lao động yên tâm công tác

nghị định thi hành luật lao động
để nữ lao động an tâm công tác

Chiều 7.3, LĐLĐ TPHCM tổ chức buổi “Gặp gỡ – trao đổi” giữa nữ CNVCLĐ với nữ lãnh đạo TP. Dịp này, các nữ CNVCLĐ đã trình bày những tâm tư, nguyện vọng của mình với lãnh đạo TP xung quanh các vấn đề liên quan đến công tác học tập, phát triển Đảng, công tác cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, nhà ở… Mong muốn các chính sách cần đi sâu vào thực tế để nữ CNVCLĐ yên tâm công tác.

Mong muốn được học tập, phát triểnChị Võ Thị Đào – CN Cty TNHH Punrkook, KCX Tân Thuận – trình bày, thực tế ở Cty chị có rất nhiều chị em muốn được phát triển trình độ học vấn, nâng cao nhận thức về tổ chức Đảng, CĐ, giai cấp CN nhưng eo hẹp về thời gian, phương tiện không có, nơi học tập lại quá xa. “Tôi mong muốn tổ chức cơ sở Đảng, CĐ, Đoàn thanh niên nên tổ chức học văn hóa, học chuyên môn, ngoại ngữ, các kỹ năng phù hợp với công việc mà CN đang làm tại DN để giúp CN nâng cao trình độ. Vì khi có trình độ, CN mới có nhận thức cao, ý thức tuân thủ kỷ luật lao động tốt” – chị Đào cho ý kiến.Cùng có mong muốn như chị Đào, chị Trần Thị Hồng Vân – CN Cty Niissee Electric – cho rằng, cần có chương trình sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ CĐCS, kể cả những cán bộ CĐCS chưa là đảng viên để cán bộ CĐ có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về chính trị. Các hoạt động, sinh hoạt chính trị dành cho CN cần tổ chức ngoài giờ làm việc…Về công tác phát triển cán bộ lãnh đạo nữ, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung – Phó Chủ tịch CĐ Viên chức TP – đề nghị, cần quy định trách nhiệm cụ thể, có chế độ kiểm tra việc thực hiện, không chỉ đối với các tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị xã hội mà kể cả các cơ quan đơn vị về việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý nữ.

Chính sách cần có chiều sâu

Nhiều năm qua, TP có chủ trương bán nhà cho CNVC nhưng đa số đối tượng được hưởng chính sách mua nhà là cán bộ công chức, giáo viên, còn đối với CNLĐ thì chưa được hưởng chính sách này. “Hầu hết CNLĐ có điều kiện ăn ở rất khó khăn nhưng không biết bao giờ họ mới mua được nhà nếu như chính sách không thay đổi?” – bà Nguyễn Thị Bạch Yến – Phó Chủ tịch LĐLĐ Q.Gò Vấp – đặt câu hỏi. Theo bà Yến, UBND TP cần có chủ trương khuyến khích DN xây dựng nhà xã hội cho CNLĐ ở, thiết lập theo quần thể chung, khu tập thể nam, nữ, hộ gia đình, có xây dựng thiết chế văn hóa để quản lý.

Tại buổi gặp gỡ, nhiều ý kiến cho rằng để nữ CNLĐ yên tâm công tác cần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nữ CN, phát triển nhà trẻ giúp những bà mẹ có nhu cầu gửi con sau 16h trở đi để giúp CNLĐ có điều kiện đi học, tăng ca…Bà Bùi Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch LĐLĐ Q.Hóc Môn – cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách đối với LĐ nữ. Bà Nhung kiến nghị, Nhà nước nên xem xét hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 2, Điều 36, Bộ luật Lao động, lao động nữ đang mang thai nhưng nếu hết hạn hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gia hạn hợp đồng lao động cho đến khi con tròn 12 tháng tuổi.

Trả lời các ý kiến, đề xuất của nữ CNVCLĐ TP, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP – nhấn mạnh: “Hiện TP có hơn 2,5 triệu LĐ, trong đó nữ chiếm 60%. LĐ nữ vừa phải đảm bảo tốt công việc ở xã hội, lại vừa phải làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người vợ, cho nên quan tâm đến LĐ nữ là cần thiết”. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, những ý kiến của chị em CNLĐ là chính đáng, lãnh đạo các sở, ban, ngành ở đây đều đã nghe và sẽ có văn bản trả lời cụ thể cho LĐLĐ TP để LĐLĐ TP trả lời cụ thể cho CĐCS, phổ biến lại cho chị em CNLĐ.

Để chăm sóc tốt hơn cho CNLĐ, đặc biệt là LĐ nữ thì CĐ chính là cầu nối, tham mưu với các cấp ủy, Đảng để TP có những chính sách kịp thời hỗ trợ anh chị em, công tác CĐ phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm nền tảng, người LĐ làm gốc.

nguồn: Báo lao động