Kiểm duyệt chặt chẽ việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trong những năm gần đây, mặc dù thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) có thu hẹp, nhưng số lượng người đăng ký đi lao động tại nước ngoài vẫn tăng theo hàng năm. Để kiểm soát, làm lành mạnh hóa thị trường XKLĐ, mới đây Bộ LĐTBXH đã đề nghị xây dựng nghị định quy định hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Chương trình XKLĐ còn tồn tại nhiều vấn đề

Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho thấy mỗi năm Việt Nam đưa được hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng trong 10 tháng năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 106.127 lao động, đạt 101,07% kế hoạch năm 2017 và bằng 107,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, Bộ LĐTBXH đã cấp giấy phép cho tổng số 302 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ, nhưng cũng thu hồi giấy phép của 43 DN do vi phạm các quy định của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trong số những thị trường lớn, trong 5 năm gần đây có 2 thị trường đưa nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài là thị trường lao động Nhật Bản và Đài Loan. Tổng số lao động đi làm việc ở 2 thị trường này chiếm đến trên 90% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Tuy nhiên, tại các thị trường này đã phát sinh một số vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ổn định và phát triển thị trường.

Mặc dù không phải là thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam, nhưng từ năm 2014, Ả rập Xê út đã phát sinh một số vụ việc dẫn đến phải đưa người lao động về nước như người lao động khiếu nại về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn uống, chủ sử dụng ngược đãi; sức khoẻ không đảm bảo, không được đào tạo, giáo dục định hướng đầy đủ nên người lao động không giao tiếp được với chủ sử dụng, khó hòa nhập môi trường sống mới với văn hoá khác biệt.

Trước những khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực XKLĐ, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người lao động và DN tham gia thị trường này. “Bản thân DN cần phải hỗ trợ tối đa cho người lao động tham gia đi XKLĐ. Tôi đi nhiều nơi thấy người dân đi XKLĐ bị lừa, đóng tiền mà không đi được. Thậm chí đi được rồi thì vẫn phải bỏ về giữa chừng, cuộc sống rất khổ sở, nợ nần chồng chất. Ngược lại, Chính phủ cũng cần phải cố gắng cải cách thủ tục hành chính làm sao cơ chế thật thông thoáng và cụ thể, vì hiện nay có quá nhiều văn bản, thông tư gây khó khăn cho DN và người lao động” – ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Ban hành nghị định quy định cụ thể

Đánh giá về những thành công trong công tác XKLĐ, ông Đỗ Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ cho rằng hoạt động này đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo cũng như tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động XKLĐ của Việt Nam cũng đang gặp nhiều vấn đề như: Thủ tục rườm rà, thiếu minh bạch, các DN cạnh tranh không lành mạnh.

“Để duy trì và giữ vững được hai thị trường chính tiếp nhận lao động Việt Nam là Đài Loan và Nhật Bản, Việt Nam cần thiết phải quy định các điều kiện cơ bản đối với các DN tham gia thị trường, chi phí người lao động phải chi trả cũng như quy định các điều kiện cụ thể của hợp đồng cung ứng và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thêm vào đó, với thị trường Ả rập Xê út Bộ LĐTBXH, cần quy định chặt chẽ, đảm bảo chỉ những DN đáp ứng được yêu cầu, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động mới tham gia cung ứng loại hình lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út” – ông Tân nói.

Trước đó, trong hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Bộ LĐTBXH tổ chức vào đầu tháng 3.2017, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng đã thừa nhận công tác XKLĐ của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đầu tiên phải kể đến việc các DN XKLĐ tuy đông nhưng không mạnh. Cùng với đó, vẫn còn nhiều DN phản ánh vấn đề giấy phép con khi đến địa phương gây khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Còn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn cũng không quy định rõ về các loại giấy tờ chứng minh việc DN đáp ứng từng điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể theo quy định (ví dụ, không có quy định về tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện về “vốn pháp định”)… điều này làm cho hoạt động XKLĐ không minh bạch.

Trước những tồn tại, hạn chế trên, đại diện người đứng đầu Bộ LĐTBXH cũng đã khẳng định quyết tâm chấn chỉnh lại hoạt động này qua việc sắp sếp lại văn bản quy phạm pháp luật, siết quản lý với các DN tham gia đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể là quy định thêm các điều kiện với các DN tham gia cung ứng lao động sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Ả rập Xê út thông qua việc ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP).

Theo: Báo Dân Việt