Sự dịch chuyển xu hướng du học Đông – Tây

Nhiều năm trở lại đây, khi thế giới ngày càng có sự liên kết, số lượng sinh viên đi du học cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khi liên kết được mở rộng, người đi du học có nhiều sự lựa chọn hơn, xu hướng du học cũng theo đó mà chuyển dịch. 

Ở trời Tây, nước Anh vẫn là điểm đến hàng đầu

Các nước phương Tây như Anh, Mỹ hàng năm vẫn tổ chức những Tuần lễ Giáo dục Quốc tế nhằm xem xét những quốc gia được sinh viên lựa chọn đi du học nhiều nhất. Từ xu hướng du học mới, các trường đại học và chính phủ có thể tìm ra lý do vì sao sinh viên muốn đi du học ở một nước, làm thế nào quốc gia có thể thu hút nhiều hơn các nhân tài quốc tế.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Tuần lễ Giáo dục quốc tế 2013 đã diễn ra tại Mỹ, sau đó một tuần, Anh cũng tổ chức một tuần lễ với nội dung tương tự. Ở Mỹ, báo cáo thường niên về chính sách mở cửa giáo dục phát hành bởi Viện giáo dục quốc tế (IIE) sẽ cung cấp thông tin và số liệu thống kê về du học Mỹ và quốc tế cũng như xu hướng giáo dục đại học quốc tế năm tới.

Chỉ tính sơ sơ, sinh viên quốc tế đã đóng góp gần 13,5 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ và 7,5 tỉ USD cho nền kinh tế Úc.

Báo cáo năm nay khẳng định Anh là nhà “lãnh đạo” giáo dục đại học quốc tế khi có đến 34.660 sinh viên Mỹ du học tại Anh năm học 2011-2012, tăng 4,5 lần so với năm học trước đó. Điều này có nghĩa Anh là điểm đến hàng đầu tại nước ngoài của các sinh viên Mỹ.

Bên cạnh đó, không chỉ có sinh viên Mỹ chọn nước Anh làm điểm đến lý tưởng, trong số 4,3 triệu sinh viên quốc tế của thế giới, đất nước này đã đón nhận 11% con số trên đến học tập. Tuy nhiên, có lẽ nước Anh không thể tự mãn vì những số liệu trên, bởi lẽ xu hướng mới trong giáo dục đại học quốc tế đang đe dọa vị trí hàng đầu của Anh trong tương lai.

Các nền kinh tế mới nổi đang mở ra nhiều chương trình học bổng quốc gia khuyến khích những sinh viên tài năng ở lại quê nhà. Thêm vào đó, quan hệ đối tác song phương và đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển cũng tạo cơ hội cho sinh viên lấy được bằng quốc tế với các chương trình liên kết xuyên quốc gia mà không cần phải lặn lội ra nước ngoài.

Các trường đại học đã và đang đầu tư vào những khóa học trực tuyến, cho phép sinh viên tiếp xúc với những giáo sư hàng đầu trong các trường đại học tốt nhất thế giới chỉ với một chiếc máy tính có nối mạng.

Sinh viên tại các nước không sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cũng không còn đắn đo sang Anh, Mỹ, Canada hay các nước nói tiếng Anh khác để được đào tạo bằng chương trình tiếng Anh vì ngay tại nước nhà cũng có những chương trình đào tạo như thế.

Tại trời Đông, chuyển dịch du học dần về các nước láng giềng

Để củng cố hồ sơ xin việc của mình trước nhà tuyển dụng, hơn 3 triệu người Việt đang học đại học và sau đại học tại nước ngoài. Nhưng gần đây, do kinh tế suy thoái, nhiều gia đình và chính bản thân sinh viên cũng cân nhắc nhiều hơn về điểm đến du học.

Nghiên cứu từ HSBC chỉ ra rằng nhiều bậc phụ huynh đang sử dụng số tiền “dưỡng già” của mình để chi trả cho các khoản tiền giáo dục của con em và gần 1/4 (tương đương 24%) số người đã cho rằng chi phí giáo dục của con cái ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiết kiệm cho tuổi già.

15 nước tham gia khảo sát, 15.000 người được điều tra, kết quả bất ngờ là 36% người Ấn Độ, 34% người Trung Quốc và các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, 32% người Mexico và Malaysia đồng tình với ý kiến trên.

Hiểu được tâm lý này, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc thường xuyên giảm học phí. Đây  cũng chính là “đòn” giúp đảo quốc sư tử (Singapore) thu hút tới 86.000 sinh viên nuốc ngoài. Nhật Bản dù có học phí cao nhưng bù lại là các chương trình vừa học vừa làm giúp sinh viên giảm thiểu chi phí.

Ngoài ra, các quốc gia Châu Á cũng có nhiều chính sách học bổng hấp dẫn, đặc biệt ưu tiên cho sinh viên quốc tế, chẳng hạn như chỉ cần đi học đầu đủ, sinh viên có thể có được học bổng của các trường Nhật ngữ.

Không những thế, chính các nước phương Tây cũng đang có chính sách liên kết quốc tế và chuyển dịch du học.

Trong khi Hội đồng Anh đặt mục tiêu gia tăng lượng sinh viên Anh tới Trung Quốc từ 3.500 năm 2011 lên 15.000 trong thời gian tới thì các học viện tư như Erasmus University Rotterdam, Hà Lan đã thiết lập các trung tâm chuyên dụng để củng cố mối quan hệ với Trung Quốc. Chương trình học bổng Schwarzman cũng có mục tiêu hỗ trợ cho 160 sinh viên quốc tế từ Mỹ và các nước khác học tập tại Bắc Kinh.

Với khung cảnh thiên nhiên đẹp không kém phương Tây, những chính sách đãi ngộ cao, chi phí tương đối thấp, xét về tâm lý là gần gũi về văn hóa và địa lý, chương trình học đang được đầu tư nâng cao hơn, các nước Châu Á đang làm cho xu hướng du học dần dần thay đổi.

ATK sưu tầm