Nhà tuyển dụng Nhật ‘săn’ kỹ sư CNTT Việt

Để bù đắp khoản nhân lực thiếu hụt, nhiều nhà tuyển dụng Nhật Bản đang tìm kiếm kỹ sư CNTT Việt Nam ngay tại Nhật thông qua việc tổ chức các chương trình Job Fair.

Theo số liệu từ Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản (METI), đến năm 2020, Nhật Bản cần khoảng 50.000 nhận lực CNTT. METI cũng đã thỏa thuận với một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam về việc chấp nhận qua lại chứng chỉ kỹ sư CNTT. Những kỹ sư nào có chứng chỉ này sẽ được nới lỏng hơn việc xét duyệt visa nhập cảnh.

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, nhà tuyển dụng Nhật đã tổ chức chương trình Job Fair dành cho các du học sinh và những người đang làm trong lĩnh vực CNTT. Dự kiến ngày 27/1, FPT Nhật Bản sẽ phối hợp với các nhà tuyển dụng Nhật thực hiện Job Fair cho học viên khóa 1 của Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối.

Kỹ sư cầu nối (BridgeSE/BrSE) là dự án đưa kỹ sư CNTT Việt sang Nhật tập huấn nhằm đào tạo ra những kỹ sư phần mềm am hiểu tiếng Nhật và văn hóa Nhật. Họ giữ vai trò tìm hiểu yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhật, mang những thông tin đó về Việt Nam và truyền đạt cho những kỹ sư không biết tiếng Nhật cũng như quản lý tiến trình phát triển phần mềm. Tờ Nikkei nhận định chương trình này đặc biệt quan trọng, có thể trở thành cầu nối giữa hai quốc gia vì lâu nay Trung Quốc là thị trường gia công phần mềm lớn nhất cho Nhật Bản.

Các kỹ sư CNTT trẻ Việt Nam đang được "săn tìm" và có nhiều cơ hội làm việc ngay tại thị trường Nhật. Tuy vậy, ông Ogawa Takeo, cựu CEO HitachiSoft (Hitachi Solutions), cho rằng kỹ sư cầu nối nếu muốn được tuyển, ngoài việc giao tiếp thuần thục và đọc được sách nghiệp vụ bằng tiếng Nhật thì cũng cần có kinh nghiệm cả về chuyên môn lẫn am hiểu văn hóa làm việc của người Nhật.

Cầu nối kỹ sư CNTT

Ông Ogawa Takeo chia sẻ với các kỹ sư cầu nối của Việt Nam

"Nếu các bạn không hiểu thì đừng giấu dốt, hãy chịu khó hỏi bạn bè hay tự tìm kiếm thông tin trên Internet", ông Takeo nhấn mạnh. "Không hiểu thì cần nói là không hiểu và hỏi cấp trên. Tuân thủ những quy định đã đề ra, thể hiện được nỗ lực cố gắng tuân thủ những quy định đó. Biết giữ lời hứa từ việc nhỏ nhất và phải thể hiện được nỗ lực giữ lời đó".

Để trở thành người giỏi, cựu CEO HitachiSoft cho rằng không có con đường nào khác là học hàng ngày, học cả ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) lẫn nghiệp vụ chuyên môn. "Nếu bạn chỉ cố gắng tương tự như người bên cạnh, kết quả đạt được cũng chỉ như họ. Cần cố gắng hơn người bên cạnh để có kết quả tốt hơn và nên dành 30 phút mỗi ngày đọc sách, không quan trọng là sách gì", ông Takeo nói.

Triển vọng thị trường Nhật Bản và cơ hội cho kỹ sư CNTT Việt Nam cũng sẽ là chủ đề sẽ được ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, chia sẻ trong buổi giao lưu với sinh viên công nghệ tại Đại học FPT ngày 20/1 tới.

Theo:Châu An 

Trần Oanh biên tập