Nhật Bản đã có cú huých ODA lớn

Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản đã và đang góp phần rất tích cực trong phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực triển khai các thủ tục cần thiết để có thể ký Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam 28,388 tỷ yên vốn ODA thuộc đợt 1 tài khoá 2010 của Nhật Bản. Thời điểm ký công hàm đợt 1 tài khóa 2010 dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2010, nghĩa là đã được đẩy lên khá sớm so với thông lệ. Trong số này, ngoài 10 tỷ yên giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, 18,388 tỷ yên còn lại sẽ được dành bổ sung vốn cho Dự án Đại lộ Đông – Tây và Dự án Thoát nước và Cải tạo môi trường TP.HCM (hai trong số những dự án hạ tầng quan trọng của Việt Nam).
 
Sớm hơn một chút so với thời điểm này, ngày 24/4 tới, cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á, sẽ chính thức khánh thành. Đây có thể coi là một trong những công trình tiêu biểu cho sự hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, với 85% trong tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng (thời điểm năm 2001) của Dự án được sử dụng từ vốn ODA của Nhật Bản. Dự án này cũng đã được Chính phủ Nhật Bản cung cấp thêm 4,626 tỷ yên Nhật trong đợt 2 tài khóa 2009 để kịp thời hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo giao thông thông suốt cho tuyến Quốc lộ 1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Không phải đến bây giờ, khi cầu Cần Thơ sắp hoàn thành, người ta mới nhắc tới những “cú huých” quan trọng từ đồng vốn ODA của Nhật Bản đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Với một lượng vốn được cung cấp khá lớn, lại nhiều ưu đãi, vốn ODA của Nhật Bản thường được sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam. Và việc xây dựng mới các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn, ngoài việc đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam, cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản, trong quá trình đầu tư, phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba đã có lần nhắc tới việc Nhật Bản và Việt Nam có chung lợi ích từ những đồng vốn ODA Nhật Bản có lẽ cũng là ở ý này.
 
Thực tế cho thấy, vốn ODA Nhật Bản đã góp phần rất lớn trong việc thiết lập hạ tầng cơ sở của Việt Nam. Rất nhiều dự án hạ tầng lớn của Việt Nam đã và đang được xây dựng từ những đồng vốn ODA Nhật Bản, như Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Dự án Đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn TP.HCM – Dầu Giây), Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, Đại lộ Đông – Tây TP.HCM, Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM… Tuy nhiên, những dự án này vẫn đang cần được bổ sung vốn để hoàn thành.

Tương tự, ngoài ba dự án lớn mà Nhật Bản đã cam kết tài trợ vốn với một tầm nhìn dài hạn (Dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc), còn rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn, thiết yếu, như Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện), đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi), Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Dự án Cấp nước và Xử lý nước thải Đồng Nai… cũng đã được Chính phủ Việt Nam đề nghị Chính phủ Nhật Bản cung cấp vốn ODA.

Khẳng định nhu cầu rất lớn về vốn để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi trao đổi với Báo Đầu tư không giấu giếm tham vọng có thể thuyết phục phía Nhật Bản tăng lượng vốn ODA cam kết cho Việt Nam. “Mức tăng cam kết ODA không chỉ là 10-20%, mà phải là 70-80% thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của Việt Nam”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, Đại sứ Mitsuo Sakaba khẳng định, trong tài khóa 2010, quy mô cam kết ODA của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào việc chuẩn bị từng dự án của phía Việt Nam. Tuy vậy, với động thái việc ký công hàm trao đổi khoản tín dụng ưu đãi thuộc đợt 1 tài khóa 2010 sớm được thực hiện trong tháng 5 tới, có thể kỳ vọng mức cam kết ODA của Nhật Bản trong tài khoá 2010 sẽ cao hơn tài khóa 2009 – tài khoá mà cam kết ODA của Nhật Bản đạt mức kỷ lục (1,5 tỷ USD).

Trung Nguyễn sưu tầm