Những thuật ngữ quân sự kỳ lạ ở Nhật Bản


Người Nhật gọi tàu khu trục là "tàu hộ tống phòng vệ", pháo binh là "lực lượng hỗ trợ", còn các sĩ quan quân đội được gọi chung là "viên chức chính phủ".

thuật ngữ quân sựu kỳ lạ của nhật bản

Mỹ và Nhật Bản là hai quốc gia có một trong những mối quan hệ đồng minh quân sự gắn bó chặt chẽ nhất trên thế giới: hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ được triển khai thường xuyên ở Nhật, lực lượng phòng vệ Nhật cũng luôn sát cánh với quân đội Mỹ trong nhiều cuộc diễn tập ở châu Á.

Thế nhưng khi một sĩ quan Mỹ nào được điều đến đồn trú ở Nhật Bản, trở ngại đầu tiên mà anh ta gặp phải là một hiện tượng kỳ lạ chỉ có trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF): những thuật ngữ quân sự chỉ có trong lực lượng này mà không thể gặp ở bất kỳ đâu trên thế giới, theo Diplomat.

Nếu phải tìm gặp các chỉ huy bộ binh hay pháo binh trong các đơn vị quân đội Nhật Bản để bàn công chuyện, người sĩ quan này sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi không ai trong JSDF sử dụng những cụm từ thông dụng như "bộ binh" hay "pháo binh". Tương tự, anh ta sẽ rất bối rối khi muốn gặp một đại úy, thiếu tá hay đại tá Nhật Bản, bởi người Nhật dùng những từ như bậc một, bậc hai, bậc ba… để chỉ những cấp hàm này.

Một sĩ quan hải quân Mỹ muốn tìm thông tin về "tàu khu trục", "tàu tuần dương" từ những người đồng cấp Nhật sẽ phải gãi đầu gãi tai khi đối tác sử dụng những thuật ngữ hoàn toàn xa lạ, không hề thấy ở bất cứ lực lượng quân sự nào khác trên thế giới.

Theo các nhà ngôn ngữ học, hiện tượng ngôn ngữ kỳ lạ này là một hậu quả của thời kỳ hậu Thế Chiến II, khi quân đội Nhật tìm cách xóa bỏ hoàn toàn những di sản của một đội quân đế quốc vừa bị đánh bại.

Trong thời kỳ này, các đơn vị lục quân và hải quân đế quốc Nhật Bản vừa bị lực lượng chiếm đóng Mỹ giải tán ngay sau chiến tranh, các quân nhân nhanh chóng bị buộc giải ngũ, và rất nhiều sĩ quan Nhật trở nên bơ vơ không biết làm gì với những kiến thức thời chiến của mình, trong khi Mỹ không hề có ý định tái tuyển dụng họ.

Dưới sức ép của cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ cần hơn bao giờ hết một đồng minh đáng tin cậy ở châu Á – Thái Bình Dương, và đến năm 1951, Thủ tướng Yoshida Shigeru đã nhất trí thành lập một lực lượng phòng vệ quốc gia trên bộ, trên không và trên biển với quân số 50.000 – 70.000 người. Do lục quân và hải quân đã bị giải tán hoàn toàn, quân đội Nhật Bản gần như phải gây dựng lại từ đầu, và Mỹ chịu trách nhiệm huấn luyện, trang bị cho lực lượng mới này.

Đại tá Frank Kowalski nhận trách nhiệm phụ trách chiến dịch tái vũ trang cho quân đội Nhật Bản, với hai mục tiêu lớn: đảm bảo không để bất cứ tàn dư nào của quân đội đế quốc trong lực lượng mới, và thành lập một lực lượng càng khác với quân đội Nhật Bản thời chiến càng tốt.

Bước vào thực hiện, các nhà hoạch định quân sự Mỹ và Nhật Bản đã nảy ra một ý kiến chưa từng có tiền lệ: nếu tất cả các đơn vị, vũ khí, khí tài, thậm chí là cấp hàm được đặt bằng những cái tên hoàn toàn mới, nó sẽ giảm thiểu khả năng nước Nhật quay trở về thời kỳ quân phiệt hóa, đồng thời làm giảm bớt tính chất quân sự trong JSDF.

Mục tiêu này đã khiến các huấn luyện viên Mỹ nghĩ ra những cái tên hoàn toàn mới cho các khái niệm quân sự cũ, bởi ngay cả những thuật ngữ được người Nhật dùng thường ngày trong Thế Chiến II cũng gây quan ngại rằng chúng sẽ làm sống dậy tư tưởng quân phiệt trong quá khứ.

Sự thay đổi này đã khiến những người không thường xuyên tiếp xúc với các binh sĩ JSDF trở nên bối rối và khó hiểu. Chẳng hạn như trong tiếng Nhật hồi Thế Chiến II, "hohei" (lính đi bộ) là từ dùng để chỉ lục quân, nhưng sau chiến tranh, nó bị biến tấu thành "hutsuuka", có nghĩa là "lính bình thường".

Rất nhiều thuật ngữ mới được áp dụng để nhằm giảm bớt tính chất quân sự trong lực lượng JSDF. Các sĩ quan sẽ được gọi là "cán bộ" hay "viên chức chính phủ", còn pháo binh bị biến thành "lực lượng hỗ trợ", trong khi tàu khu trục lại bị gọi là "tàu hộ tống phòng vệ".

thuật ngữ quân sự của nhật bản

Tàu khu trục của Nhật Bản được gọi bằng danh từ mới là "tàu hộ tống phòng vệ". Ảnh: MilitaryNews
 

Tàu khu trục của Nhật Bản được gọi bằng danh từ mới là "tàu hộ tống phòng vệ". Ảnh: MilitaryNews
Ngoại lệ duy nhất là Lực lượng Phòng vệ Trên không. Trong Thế Chiến II, lực lượng này nằm trong lục quân và hải quân chứ không phải là một quân chủng riêng biệt. Bởi vậy, sau chiến tranh, khi nó trở thành một lực lượng riêng, các thuật ngữ như "chiến đấu cơ", "máy bay ném bom", "máy bay vận tải" được dịch sang từ tiếng Anh và trở nên dễ hiểu hơn với người nước ngoài.

Tác động đến sĩ khí

Với nhiều quân nhân trong JSDF, việc sử dụng những thuật ngữ gần như không có tính chất quân sự trên trong một số hoàn cảnh lại khiến họ cảm thấy khó chịu hoặc bối rối. Dù gì đi nữa, thứ lớn nhất mà họ có được khi phục vụ trong lực lượng vũ trang chính là niềm tự hào, và họ sẽ rất khó có thể tự hào khi tự gọi mình là "cán bộ bậc một", "viên chức bậc hai" thay vì cấp hàm đại úy, thiếu tá như những người đồng cấp nước ngoài.

Trong thực tế, các sĩ quân JSDF khi trò chuyện với đối tác nước ngoài thường có xu hướng sử dụng các thuật ngữ cũ từ thời Thế Chiến II, đặc biệt là khi nói về cấp hàm và chức vụ. Những cuộc trò chuyện bắt đầu bằng "Lực lượng Phòng vệ Trên không" thường sẽ kết thúc bằng cụm từ "Không quân", điều mà JSDF tránh đề cập trong các tuyên bố chính thức.

Theo ông John Wright, chuyên gia tại Quỹ Mansfield chuyên về quan hệ hợp tác Mỹ – Nhật, việc các quân nhân Nhật sử dụng những thuật ngữ có từ thời Thế Chiến II này không phản ánh mong muốn hướng tới chủ nghĩa quân phiệt của họ, mà đơn giản vì đó là những cụm từ được các nước khác trên thế giới áp dụng phổ biến, trong đó có cả những quốc gia chưa từng tham gia bất cứ cuộc chiến nào trong hơn hai thế kỷ qua như Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Ông Wright cho rằng cách dùng những thuật ngữ này cũng ảnh hưởng đáng kể đến sĩ khí trong quân đội Nhật Bản. Sau chiến tranh, người dân Nhật Bản dấy lên làn sóng đổ lỗi cho quân đội vì đã gây ra cảnh lầm than cho đất nước, khiến nghiệp binh bị coi thường ở nước này. Cho đến nay, các sĩ quan quân đội Nhật vẫn chỉ có địa vị xã hội tương đương nhân viên bưu điện.

Việc dùng những thuật ngữ mới "phi quân sự hóa" khiến quân đội Nhật Bản ngày càng giống hơn với các tổ chức dân sự khác. Với việc hàng ngày bị gọi bằng những cái tên không đúng với bản chất lực lượng mà mình đang phục vụ, các quân nhân Nhật Bản có thể sẽ cảm thấy bị tổn thương và bị giảm sút sĩ khí, theo ông Wright.

Một số nhà phân tích và chuyên gia xã hội học lại cho rằng việc sử dụng những thuật ngữ quân sự mới, mang tính giảm nhẹ như vậy là cách tốt nhất để giảm bớt cái nhìn tiêu cực của xã hội đối với vai trò của JSDF. Khi không phải nghe những từ mang nặng tính quân sự trong cuộc sống hàng ngày, nỗi lo lắng của người dân đối với bóng ma quân phiệt trong quá khứ sẽ giảm đi nhiều, và JSDF sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện nhiệm vụ của mình.

thuật ngũ quân sự kỳ lạ ở nhật bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và các quan chức quân sự. Ảnh:JapanTimes

Trong những năm gần đây, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe rất nỗ lực để nâng cao vai trò của JSDF trong đảm bảo an ninh khu vực. Nhật Bản đã thông qua cách diễn giải mới về hiến pháp, lần đầu tiên cho phép JSDF điều động lực lượng tham chiến ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh.

Hồi đầu tuần, tờ Yomiuri của Nhật dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho hay Nhật Bản đang xem xét khả năng cho máy bay trinh sát săn ngầm P-3C hạ cánh tiếp nhiên liệu tại các căn cứ của các nước ven Biển Đông, trong đó có Cam Ranh của Việt Nam, trong hành trình trở về sau khi thực hiện sứ mệnh tuần tra chống cướp biển ở Somalia. Đây được coi là một đóng góp của Tokyo vào nỗ lực bảo vệ hòa bình, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông trước các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.

 

Theo:Trí Dũng-VNE

Trần Oanh biên tập