Các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm đặc biệt đến tiềm năng nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sẽ xúc tiến hợp tác đầu tư thận trọng. Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM, ông Yasuzumi Hirotaka đánh giá khá cao môi trường đầu tư vào vùng đất này.
Theo ông Hirotaka, với nhiều thế mạnh vốn có về các mặt hàng nông sản, thủy sản, giá đất rẻ, nhân công trẻ, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được cải thiện mạnh mẽ… đặc biệt hệ thống đường thuỷ của vùng là một lợi thế riêng, có nhiều trục đường kết nối với TP HCM… giúp cho đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước
Ông Yasuzumi Hirotaka nhìn nhận, lĩnh vực đầu tư hứa hẹn nhất cho vùng này là công nghiệp chế biến và sẽ tận dụng tối đa lợi thế về các mặt hàng nông thuỷ sản của vùng như gạo, trái cây, tôm cá… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trên, Việt Nam cần có một hệ thống tín dụng mềm dẻo và linh hoạt cho vay với lãi suất 1-3% để khuyến khích đầu tư.
Ngoài ra, ông cho rằng, các cấp lãnh đạo vùng cần phải hiểu được nhu cầu của nhà đầu tư thực sự là gì và nghĩ cách làm thế nào đề cải thiện môi trường đầu tư của vùng bằng cách chỉ ra những điểm nổi bật nhất để đầu tư. "Hãy nhớ rằng thu hút đầu tư là một cuộc cạnh tranh khốc liệt chứ nó không tự nhiên mà đến", ông nói.
Theo đó, ông góp ý biện pháp để thu hút FDI mà 13 tỉnh trong vùng thống nhất là tổ chức hội nghị hằng năm giới thiệu về môi trường đầu tư, trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài để hiểu được nhu cầu của họ. Từ đó có cơ sở thiết lập kế hoạch cải thiện hình ảnh, xây dựng chính sách thu hút đầu tư phù hợp cũng như thúc đẩy trao đổi mua bán thương mại với nhiều nước trên thế giới.
Hiện tại, theo đại diện của Jetro, các công ty Nhật đang thận trọng tiếp cận từng bước, để tiến đến hợp tác toàn diện với những doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này mở ra cơ hội xây dựng, phát triển những mối quan hệ kinh doanh với đối tác cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và bền vững cho các dự án đầu tư ở Việt Nam.
Có nhiều lợi thế là vậy, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng cho hay, trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ 1988 đến 2013, đồng bằng sông Cửu Long có 830 dự án còn hiệu lực với tổng vốn hơn 11,3 tỷ USD (chỉ chiếm 4,9 % so với cả nước). Phần lớn dự án tập trung ở Long An (493 dự án, vốn 3,8 tỷ USD), Kiên Giang (35 dự án với hơn 3,1 tỷ USD).
Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, tiềm năng hợp tác và đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long rất rộng mở cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, định hướng phát triển đến năm 2020, vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt trung bình 12% – 13%.
Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng kinh tế quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và quốc tế, là nơi sản xuất cũng như cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho toàn cầu.
Theo Vnexpress
Đình Hoàng sưu tầm