Đây là tâm sự của một cô gái lần đầu tiên đi du học, lần đầu tiên xa nhà, xa cả quê hương ở cái tuổi đã hết mơ mộng và bắt đầu nghĩ cho tương lai nhiều hơn.
Ngày nhận được giấy báo đỗ kết quả du học, nó vừa mừng vừa lo, cuối cùng thì ước mơ của nó cũng đã trở thành sự thật, một ngày được đặt chân đến đất nước mặt trời mọc đã không còn xa xôi nữa. Thật đấy, chỉ còn vài tháng, vài tuần, vài ngày nữa là nó sẽ được ngắm hoa anh đào, được ngửi mùi hoa thơm lựng trong gió, được ăn những món ăn thơm ngon mà trước giờ nó chỉ thấy trong phim ảnh, được ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời, đặt chân lên những toa tàu điện chạy vun vút,… chỉ nghĩ tới thôi khiến nó cứ nôn nao mau cho tới ngày đi thật là nhanh.
Thế rồi, ngày đó cũng đã đến, nó đến nhanh quá đến nỗi nó chợt giật mình nhìn lại mình đã dành thời gian cho gia đình trọn vẹn chưa? Những ngày gần đi, bạn bè rủ gặp nó liên tục, nó đi từ sáng tới tối đến nỗi ba của nó nói với nó rằng: “Con có thể dành một ngày để ăn cơm cùng với gia đình không”. Nhìn ánh mắt buồn xa xăm của ba má, nó cảm thấy mình có lỗi rất nhiều, nó mãi vui chơi bên bạn bè mà quên đi rằng ở nhà lúc nào cũng có ba má, em mình đang đợi cơm. Nó quyết định dù có đi chơi thế nào thì cũng phải về nhà trước giờ ăn để được ăn cơm cùng với gia đình, cái giây phút mọi người cùng nhau ăn những món ăn má nấu, cười nói vui vẻ chính là những giây phút đáng trân trọng hơn những buổi nhậu nhẹt cùng với bạn bè.
Việc chuẩn bị đồ để đi sang Nhật tốn khá nhiều thời gian của nó, ngày nào nó cũng đi mua sắm mà chẳng biết khi nào là đủ. Nó nhìn cái cảnh ba má nó chạy đôn chạy đáo đi mượn tiền, mượn vàng thật đau lòng biết bao. Nó đi là một niềm vui lớn của gia đình, họ hàng là niềm tự hào của rất nhiều người, thế nhưng có ai biết được nó đi rồi để lại một khoản nợ rất lớn cho gia đình. Nhìn ba má đã già, mắt hằn lên những vết chân chim, đáng nhẽ tuổi ấy phải được an hưởng sự yêu thương, đền đáp của con cháu mà bây giờ vẫn phải tần tảo, vẫn lo lắng cho con cái. Nó cảm thấy bản thân bất hiếu vô cùng.
Ngày nó đi má nó dặn dò đủ thứ, tỉ mỉ rang từng bọc đậu phộng để sang đó có cái mà ăn thời gian đầu, đem từng nhúm tiêu củ tỏi… rồi dặn dò thuốc thang, thoa dầu khi trời trở lạnh. Má nó sợ nó nhịn ăn giảm cân nên cứ nhắc đi nhắc lại là con gái mập tí thì đẹp, khỏe, đừng có nhịn ăn mà không có sức khỏe học tập. Nó cứ vâng vâng, dạ dạ rồi lại bỏ ngoài tai. Hành lý của nó được má nó nhét không biết cơ ngơi nào là thức ăn, còn ba nó cứ hễ tí là điện thoại nhắc nhở nó mua sắm những đồ cần thiết. Ba bảo: “Nhớ mua thêm cái mùng qua đó mà có cái xài, qua đó cái gì cũng đắt ở mình rẻ thì mua đi chứ lo cái gì”. Nó thì cứ nằng nặc bảo ở Nhật làm gì có muỗi đâu mà cần mùng, đem qua làm gì. Thế đấy, nó cứ thích cãi lời lại ba má vậy không chịu đi mua. Ấy vậy mà, tối lúc trước khi đi nó đã thấy cái mùng ấy nằm chình ình trong cái vali.
Đêm trước ngày đi, má nó bảo rằng thích ăn gì để má nấu, má bảo hay nhà mình làm một nồi lẩu ăn, nhưng nó nói rằng còn ăn cơm buổi cuối cùng nên nó muốn ăn cơm do má nấu chứ lẩu thì họ bán đầy ngoài kia. Cả nhà quay quần bên nhau ăn bữa cơm, ba nó còn tranh thủ dặn dò đủ thứ, còn má nó thì cứ bảo: “Đưa chén đây để má xới thêm cơm cho, ăn gì mà ít vậy. Qua đó không có ai nấu cơm cho ăn đâu, ráng ăn thêm vào đi không ngày mai đi sớm đói bây giờ”. Nó thấy nghẹn ngào trong lòng.
Ăn xong bữa cơm cuối mà được ba má chở đi thăm nội ngoại, lúc về thì má cũng đã ngủ rồi. Bây giờ nó muốn đi dạo ban đêm lần cuối, thế là nó rủ thằng bạn chở nó đi long nhong ngắm thành phố về đêm. Cảm giác đi trong đêm khiến nó thật dễ chịu, nó rất yêu Đà Nẵng, yêu cực kỳ, tự nhiên nhìn thành phố yêu quý tĩnh lặng trong màn đêm khiến nó không nỡ rời xa nơi đây. Nó đứng bần thần trước cầu sông Hàn, chạm tay vào những lát gạch men đã ố vàng qua năm tháng, ngửi mùi hương của những bông hoa ven đường và thả hồn mình vào trong từng cơn gió mát lạnh. Thật sự, lúc này đây nó không muốn rời xa nơi này đâu.
Đêm dần về khuya, nó canh giờ để được nhìn thấy má nó thức dậy, lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ rồi hối hả thắp nén nhang trước khi đi làm. Mấy bữa trước má nó bảo rằng, má nó sẽ xin làm về sớm để ra tiễn nó. Má nó làm ban đêm nên cứ 2h khuya là đạp xe đi làm. Nó nhìn má nó mà nước mắt cứ chảy ròng ròng, nó thương má nó rất nhiều, nhiều vô kể, chưa bao giờ nó cảm thấy thương má nó đến vậy. Trước giờ nó chưa làm gì được cho má nó cả, lúc nào cũng ỷ lại là có má ở nhà nấu cơm rồi mình chỉ việc về nhà ăn thôi, đến giờ ăn cũng không chịu xuống phải gọi năm ba lần mới nghe. Càng nghĩ nước mắt của nó càng chảy, nó nén tiếng nấc để cho nhà khỏi nghe. Nó nằm xuống giường suy nghĩ những gì đã qua, nhưng rồi chẳng mấy chốc cơn buồn ngủ đã kéo nó đi.
Sáng sớm, ba nó gọi nó dậy chuẩn bị đồ đạc, má nó cũng vừa về, mọi người nhanh chóng thu xếp hành lý giúp nó rồi tiễn nó ra sân bay. Vì nhà nó không dư dả nhiều nên chỉ có thể tiễn nó ở sân bay Đà Nẵng, rồi một mình nó đi máy bay ra ngoài Hà Nội để bay sang Nhật. Lúc làm thủ tục, nó và mọi người vẫn cười đùa vui vẻ nhưng đến lúc một mình nó bước vào phòng cách ly, má nó, ba nó, em nó và bạn bè nó vẫn ngước nhìn theo nó. Nó thấy má nó khóc rất nhiều, nó cảm thấy đau lòng kinh khủng. Hình ảnh nó cứ mãi trong tâm trí nó, nó vẫn cố cười vẫy tay tạm biệt gia đình nhưng rồi khuất sau bức tường nó bật khóc nức nở. Ừ hơn 20 năm nó có bao giờ sống xa gia đình đâu, bây giờ một mình nơi xứ người bất đồng ngôn ngữ, văn hóa không biết nó sẽ sống như thế nào đây.
Nó vẫn nhớ đinh ninh câu nói của ba nó rằng: “Qua đó có sống khổ thế nào cũng ráng mà chịu, đừng có than thở hay kể lể gì về cho nhà biết hết. Má mày mà nghe được lại khóc nữa cho mà xem”. Nó cứ nghĩ đến câu này rồi hình ảnh má nó khóc ở sân bay là nó không kìm lại nước mắt. Đến từng tuổi này nó mới thấm được sự hi sinh của ba má nó to lớn đến nhường nào.
Ngày lên máy bay sang Nhật, chỉ có mình nó là không có bạn bè, gia đình đi cùng. Nó nhìn bạn bè nó ai nấy cũng quấn quýt bên gia đình. Nó khóc, nó nhớ ba má em nó ở Đà Nẵng, nó nghĩ về một miền đất mới kia sẽ thử thách gì nó đây. Nó tự nhủ rằng, nó sẽ cố gắng thật nhiều, khổ nào nó cũng chịu được để thành công mà về báo đáp công ơn của ba má nó.
Đình Hoàng sưu tầm