Trước khi bắt đầu bỏ thời gian, công sức và tài chính để tìm hiểu và tiếp cận với cơ hội đi Nhật Bản (với tư cách thực tập sinh kỹ năng), Người lao động cần lưu ý những gì?
THỨ NHẤT, XÁC ĐỊNH RÕ RÀNG MỤC ĐÍCH ĐI NHẬT
Trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang ngày càng già hóa, Nhật Bản thực hiện chính sách tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng. Cần lưu ý, chính sách tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng khác với chính sách tiếp nhận Lao động xuất khẩu. Nhật Bản không tiếp nhận Lao động xuất khẩu đơn thuần mà chỉ tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng với các mục đích sau:
- Tạo điều kiện để Người lao động nước ngoài tiếp xúc với các kỹ năng ngành nghề của Nhật Bản. Sau đó về nước và sử dụng các kỹ năng đã được học tập để phục vụ cho nền kinh tế nước mình.
- Góp phần giải quyết tình trạng thiếu sức lao động của Nhật Bản.
Với ý nghĩa đó, Người lao động cần nhận thức rằng: Mục đích lớn nhất khi đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản là học hỏi và tiếp nhận đào tạo về kỹ năng (Bao gồm nhưng không hạn chế: Ngôn ngữ tiếng Nhật, văn hóa làm việc của người Nhật, các kỹ năng trong mỗi ngành nghề cụ thể). Bởi vậy, giá trị kinh tế (tiền lương/thù lao) cho thời gian thực tập không nên là mục đích lớn nhất khi lựa chọn chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật.
THỨ HAI, TÌM HIỂU THÔNG TIN CHUNG
Sau khi xác định rõ ràng về mục đích đi làm việc tại Nhật Bản, Người lao động xem xét về điều kiện đi lao động tại Nhật Bản. Thông thường, sẽ có các điều kiện chung và điều kiện riêng cho một số ngành nghề đặc thù.
Các điều kiện chung:
- Độ tuổi: nam/nữ tuổi từ 19-35
- Trình độ: tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên
- Chiều cao: 1m50 trở lên, cân nặng phù hợp với chiều cao
- Không xăm mình, không bị tật nguyền, không có dị tật, không có sẹo; không bị cận thị, nhược thị, rối loạn sắc giác;
- Có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe;
- Có đạo đức tốt, ý thức kỷ luật tốt, không có tiền án;
- Có hộ khẩu thường trú và sinh sống tại địa phương đăng ký dự tuyển;
- Có kinh nghiệm làm việc ở các ngành nghề dự kiến đi thực tập (hiện tại, các ngành nghề Nhật Bản cho phép tiếp nhận Thực tập sinh là 71 ngành nghề, ví dụ: Cơ khí (hàn, tiện, dập, đúc…), may, nông nghiệp, lắp ráp điện tử, kiểm tra sản phẩm, trang trí nội thất, xây dựng, chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, nhựa…
Các điều kiện riêng cần xem xét đối với từng ngành nghề đặc thù và theo yêu cầu của Doanh nghiệp tiếp nhận.
|
THỨ BA, LỰA CHỌN CÔNG TY PHÁI CỬ
Sau khi tham khảo các thông tin về ngành nghề dự định dự tuyển, Người lao động sẽ liên hệ, nộp hồ sơ và tiếp nhận các thông tin cụ thể từ Công ty phái cử (tại Việt Nam) và đưa ra quyết định về việc có lựa chọn Công ty phái cử đó hay không.
* Lưu ý:
1. Trước khi liên lạc với Công ty phái cử, các bạn nên xác nhận tình trạng hoạt động của Công ty đó là hợp pháp hay không hợp pháp. Danh sách các công ty phái cử được cập nhật tại trang web của Cục quản lý lao động ngoài nước:http://dolab.gov.vn/BU/DoanhNghiep3Mien.aspx?LIST_ID=1371&type=hdmbmtmn&MENU_ID=246&DOC_ID=1561 2. Khi làm việc với Công ty phái cử tại địa phương, Người lao động có quyền yêu cầu Công ty phái cử Cung cấp: (i) Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài (Theo quy định tại Điều 8 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo Hợp đồng số 72/2006/QH11, dưới đây gọi là Luật số 72/2006/QH11) và (ii) Thông báo gửi Sở lao động – Thương binh và xã hội về việc tuyển chọn người lao động (Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 27 Luật số 72/2006/QH11) |
THỨ TƯ, YÊU CẦU CÔNG TY PHÁI CỬ CUNG CẤP THÔNG TIN
Các thông tin Người lao động cần phải được biết trước khi nộp hồ sơ vào Công ty phái cử là: số lượng người lao động cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí người lao động phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Lưu ý: Mọi thông tin nêu trên cần phải thể hiện bằng văn bản. Tránh trường hợp Công ty phái cử tự do thay đổi các điều kiện tuyển dụng và/hoặc bắt người lao động chờ đợi thời gian dài, ảnh hưởng đến kế hoạch công việc và cơ hội của Người lao động.
Bất kỳ hành vi không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không chính xác hoặc thay đổi nội dung thông tin mà không được sự đồng ý từ Người lao động của Công ty phái cử là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị thu hồi Giấy phép hoạt động và bồi thường thiệt hại cho Người lao động. |
Sau khi xác nhận rõ ràng các thông tin trên, Người lao động nộp hồ sơ cho Công ty phải cử.
Nếu hồ sơ đạt, được tiếp nhận và Người lao động đồng ý, Người lao động sẽ được dự thi vào các chương trình thực tập sinh kỹ năng (Hay còn gọi là các đơn hàng).
AKT